Thứ Hai, 17 tháng 12, 2007

IPO Vietcombank và những cuộc chiến khốc liệt

Có lẽ chưa một đợt IPO nào lại thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng đầu tư như IPO Vietcombank. Sự thực nó có trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng tới tình hình thị trường niêm yết hiện nay, tại sao nó lại gây ảnh hướng lớn đến như vậy, nhà đầu tư kỳ vọng gì ở cổ phiếu VCB sau khi cổ phần hoá, chúng ta hãy xem xét một cách tổng thể về cổ phiếu VCB và các đối tượng sẽ tham gia IPO cũng như hành vi và chiến lược của họ.

1. Chủ thể được IPO VCB:

VCB là một trong những ngân hàng thương mại quốc doanh hàng đầu của Việt Nam với hơn 45 năm hình thành và phát triển, tính đến cuối năm 2006 VCB đã phát triển lớn mạnh theo mô hình ngân hàng đa năng với 58 chi nhánh, 1 sở giao dịch, 87 phòng giao dịch, 4 công ty con trực thuộc trong nước, 2 văn phòng đại diện 1 công ty con tại nước ngoài, với đội ngũ cán bộ hơn 6500 người. Ngoài ra VCB còn góp vốn, liên doanh liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như bảo hiểm bất động sản quĩ đầu tư, tổng tài sản cuối năm 2006 lên tới 170 ngàn tỷ, tổng dư nợ đạt 68 ngàn tỷ, vốn chủ sở hữu đạt hơn 11 ngàn tỷ. Mục tiêu mà VCB hướng tới sau khi CPH là trở thành tập đoàn đầu tư tài chính ngân hàng hàng đầu đóng vai trò chủ đạo tại Việt Nam và trở thành một trong 70 đinh chế tài chính hàng đầu tại C hâu Á vào năm 2015 – 2020 có phạm vi hoạt động quốc tế.

Trước khi có quyết định IPO, VCB đã có các cuộc đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài nhưng kết quả không như VCB mong đợi. Hệ quả là VCB đã thay đổi phương án, sẽ IPO trước sau đó sẽ bán cho đối tác chiến lược nước ngoài sau trên cơ sở giá đấu bình quân. Sau Bảo Việt, VCB là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất IPO. Ngoài áp lực phải IPO thành công, tránh thất thoát tài sản nhà nước như trường hợp Đạm Phú Mỹ hay có ảnh hưởng không tốt đến tổng thể thị trường như Bảo Việt, có thể hiểu việc trì hoãn hay thay đổi phương án phát hành của VCB không ngoài mục đích IPO phải thành công và thoả mãn như cầu đông đảo nhà đầu tư không gây ảnh hướng làm xáo trộn hay mất ổn định thị trường.

Với số lượng lớn cán bộ công nhân viên, người sở hữu trái phiếu chuyển đổi của VCB, phần CP chào bán cho đối tượng này là 3,5%. Hơn ai hết đây chính là nhóm đối tượng muốn được kết quả đấu bình quân càng thấp càng tốt, nhất là những nguời đang nắm trái chủ, có những người tại đỉnh điểm năm 2006 đã phải mua ở mức 1,85. Cùng thời điểm đó nếu họ đầu tư vào các CP bluechip khác đến nay lợi nhuận dành cho họ là rất lớn. Nếu giá đấu bình quân quá cao, cán bộ công nhân viên hay người sở hữu trái chủ sẽ bị thiệt hại vì giá giảm 40% trên giá bình quân và tỷ lệ chuyển đổi cũng trên giá bình quân.

2. Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài:

Đây là nhóm nhà đầu tư hiện đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng tăng giảm của thị trường nhất là với sàn HOSE với tỷ lệ nắm giữ CP trung bình là 30%. Có thể chia đối tượng này thành mấy nhóm như các quỹ đầu tư đã vào lâu thị trường VN như Dragon Capital, Vina Capital, Indochina Capital.., một số quĩ mới như Citigroup Market, Deutsche Bank… và một số lượng đông đảo các nhà đầu tư cá nhân, số lượng quĩ trong và ngoài nước tăng vọt lên tới hơn 60 quĩ, số TK nhà đầu tư cá nhân cũng lên con số kỷ lục là gần 10 ngàn tài khoản.

Nhìn chung các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường mới nổi VN với chiến lược đầu tư dài hạn là chính. Điều này được thể hiện họ mua nhiều hơn bán, tỷ lệ room các doanh nghiệp VN càng ít dần đi. Tuy nhiên cũng có nhiều nhà đầu tư cá nhân lướt sóng, các quĩ sau thời gian nắm giữ lâu bán bớt một phần CP để hiện thực hoá lợi nhuận hay cơ cấu sang nắm giữ doanh nghiệp khác họ thấy có tiềm năng hơn. Với những quĩ đã vào lâu nắm giữ những CP từ mức VN Index 200, 300 điểm - Dragon Capital hay Vina Capital là những quĩ tồn tại và đạt được mức lợi nhuận rất cao.

Ngược lại có những quĩ vào sau phải mua CP trên sàn nên khả năng thua lỗ trong ngắn hạn có thể nhìn ra như Deutsche Bank mua hơn 1 triệu CP PPC ngày chào sàn với giá 105 nghìn đồng, mua gần 5 triệu CP FPT từ lúc DN này lên sàn, mức giá thấp nhất mà quĩ này mua FPT với giá hơn 200 ngàn/CP là rất ít, với trung bình giá giảm quĩ này mua FPT chắc chắn không dưới 300 ngàn/CP, với giá FPT 224 ngàn, tính "sơ sơ" thì mức thua lỗ trong phi vụ FPT cũng đến con số 30%.

Với kiểu IPO đấu giá Hà Lan, các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không thể cạnh tranh về giá với các các nhà đầu tư trong nước. Điển hình như thời điểm đầu năm 2007 nên trước mỗi cuộc đấu giá họ mua bán hạn chế, tránh làm cho thị trường nóng, chưa kể có những hôm điển hình như ngày 14/11 trong lúc thị trường đang bốc ngùn ngụt VN Index phiên hai tăng tới hơn 30 điểm nhưng sang tới phiên 3 khối này liên tục trong phút cuối đẩy lệnh ATC những mã bluechip làm ảnh hưởng tới VN Index như SJS, PPC, VNM, VSH, PVD, SAM, SJS tụt về gía sàn 231.000 - một mức giá còn rẻ hơn giá đấu khởi điểm 235 ngàn. Các tổ chức hầu như chỉ việc trả trên giá khởi điểm một chút là trúng. Điều này cũng đúng với HBC hay một số CP thuộc họ Sông Đà gần đây.

Với VCB cũng vậy, để đạt được mục đích mua đấu giá rẻ, giá bình quân rẻ sẽ quyết định giá mà VCB sẽ bán cho đối tác chiến lược. Theo tôi, có một chiến lược đã được áp dụng mà cổ nhân đã nhắc trong lịch sử như “giương đông kích tây”, “vây Nguỵ cứu Triệu” mà nhà đầu tư nước ngoài áp dụng là dùng truyền thông, báo cáo với tần suất cao việc giá CP tại VN quá cao, PE cao quá, có thể không ngoại trừ việc có sử dụng lượng cổ phiếu nắm giữ để tác động đến tình trạng thị trường không quá nóng. Khi ttrường niêm yết có tín hiệu sụt giảm thì các nhà đầu tư cá nhân trong nước hầu hết có đặc điểm vốn ít, chơi theo phong trào, mua bán ngắn hạn,... sẽ khó theo tay những đợt IPO giá cao.

Giá có thể giảm đến mức nào và thị trường sẽ rơi xuống đáy ở bao nhiêu điểm - câu hỏi này không phải dễ có đáp án. Trong năm 2007 VN Index đã hai lần rơi xuống đáy 900 và bật lên, có thể coi ngưỡng này là ngưỡng an toàn tâm lý giúp thị trường hồi phục. Nếu là nhà đầu tư lâu năm có kinh nghiệm, có thể phát hiện ra khi VN Index gần chạm ngưỡng 900 nhà đầu tư nước ngoài bán ra rất ít mà chủ yếu là mua vào. Ở ngưỡng này nhiều CP có giá hấp dẫn đạt được tiêu chí kỳ vọng đầu tư, đăc biệt là những người gia nhập sau.

196620.jpgLượng cung giai đoạn này chủ yếu là từ nhà đầu tư nội, với tâm lý không vững vàng, kiến thức hạn chế, đối tượng này trong lúc tháo chạy có thể làm thị trường sụt giảm rất mạnh. Thị trường nếu có sụt mạnh lại là điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các quĩ nắm giữ lượng lớn CP không muốn chút nào. Đơn giản bởi giá CP giảm có nghĩa NAV của họ cũng giảm theo. Kết quả có thể tưởng tượng là: gần kết thúc giờ giao dịch một số lượng lớn lệnh mua ATC được tung ra nhằm vào một số CP lớn trên thị trường. Khi đợt bán tháo kết thúc, một cụm từ hay được dùng là “thị trường đảo chiều rồi”, ngày tiếp theo có thể là khởi đầu của đợt tăng gía mới.

3. Nhóm các nhà đầu tư nội:


Tương tự như các nhà đầu tư nước ngoài, nhóm các nhà đầu tư nội cũng được chia ra một số loại. Nhóm thứ nhất là quĩ đầu tư như VFM, HNF,..; nhóm thứ hai là khối tự doanh của các công ty chứng khoán, các quĩ của công ty chứng khoán huy động như SSI, Bản Việt, FPT-SBI Holding, Apec-Jics … và nhóm thứ ba là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Nhóm thứ ba rất đa dạng, có người đến trước kẻ đến sau, người có kinh nghiệm, kẻ mua bán "amateur" - có nghĩa là họ là những đối tượng không chuyên, mua bán theo thông tin, theo người quen, họ vẫn có công việc chính nào đó như bác sĩ, luật sư, kỹ sư, giáo viên... Những người này có một số tiền tiết kiệm và không hài lòng với lượng tiền sinh ra từ lãi suất tiết kiệm khi xung quanh họ ai ai cũng nói đi nói lại những câu chuyện "kiếm được tiền tỷ từ buôn chứng khoán".

Với năm phiên giao dịch một tuần thì nhóm các nhà đầu tư nhỏ lẻ này đóng vai trò khá quan trọng trong hoạt động cũng như tính thanh khoản của thị trường. Họ có thể dễ dàng trong 5 phút đặt mua hết số tiền mà họ dành dụm được và ngược lại đặt bán hết kể cả khi lỗ rất nhiều. Nhìn chung những nhà đầu tư này có đặc điểm là
  • Vốn ít,
  • Tâm lý tham lam sợ hãi luôn đan xen,
  • Không có chiến luợc đầu tư rõ ràng,
Chính vì thế, nếu có lãi thì họ thường bán ngay rồi sau đó có thể nhìn CP của mình vừa bán thăng thiên tới mức giá cao vời vợi nào đó; hoặc cũng có thể "khư khư giữ" CP đang giảm giá hy vọng nó sẽ trở lại gía cũ và bất đắc dĩ trở thành nhà tư dài hạn. Những hành vi này thường trái ngược các quĩ, các tổ chức do họ có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản hơn, nhiều vốn hơn, có chiến lược đầu tư rõ ràng. Thiếu chiến lược đầu tư cụ thể, danh mục đầu tư không có hợp lý, không nắm bắt được xu hướng thị trường chính là những nguyên nhân cơ bản để ta nhận diện một nhóm nhà đầu tư thường đặt giá trần khi thị trường lên, đặt sàn khi thị trường xuống, đặt những mức giá rất "trời ơi" trong đấu giá rồi bỏ cọc chịu mất tiền cọc - lợi nhuận với họ có thể nói là một mục tiêu di động chạy mãi không đến.

208093.jpg4. Nhà đầu tư kỳ vọng gì đợt IPO VCB:

Kỳ vọng của nhà đầu tư với định chế tài chính hàng đầu Việt Nam không thuần túy đến từ tài sản mà VCB đang sở hữu. Mức kỳ vọng lớn hơn mà nhà đầu tư đặt vào VCB đó là sự lột xác trong tư duy, trong quản trị điều hành, phong cách làm việc chuyên nghiệp. Một điều dễ dàng nhận thấy các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá đều có bước phát triển mạnh mẽ, khi doanh nghiệp đã được cổ phần mọi hoạt động đều được giám sát quản lý chặt chẽ, cơ cấu lao động cũng gọn nhẹ hơn, giảm thiểu chi phí, người lao động làm việc vì doanh nghiệp và cả vì bản thân khi đều trở thành cổ đông.

Những mô tả trên sẽ khác biệt nhiều với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với cách thức tổ chức, quản trị, làm kinh doanh và hạch toán, sử dụng kết quả kinh doanh đã không còn phù hợp. Các tổ chức đầu tư nước ngoài cho dù có tuyên bố CP Việt Nam quá cao, PE quá cao nhưng chính bản thân họ lại đi mua những CP với chỉ số PE không hề thấp. Đơn cử như HSBC mua Bảo Việt, với mức vốn hơn 6000 tỷ, lợi nhưận hơn 300 tỷ, EPS của Bảo Việt hơn 500đ, giá mua 71.000đ/CP, HSBC đã mua Bảo Việt với PE là gần 140 lần, hay đối với PVD CP này chào sàn giá 130 ngàn tương ứng PE là 160 lần có những lúc CP này lên hơn 300 ngàn/CP tương ứng PE là 175 lần. Sau một năm chúng ta đã rõ PE của PVD hiện nay là 34 lần, nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn ra được vấn đề của doanh nghiệp sau cổ phần hoá, đó là làm ăn minh bạch rõ ràng hơn.

Trở lại câu chuyện VCB, rõ ràng trong khi các ngân hàng CP làm ăn rất tốt thì VCB năm 2007 lại có bước thụt lùi đáng xem xét. Về mặt lý thuyết nền kinh tế của ta tăng trưởng hơn 8% mỗi năm các loaị hình doanh nghiệp hầu hết đều tăng trưởng, năm 2007 là năm đầu tiên VCB tiến hành cho vay cầm cố chứng khoán. Với khối tài sản ròng từ việc đầu tư chứng khoán chủ yếu trong năm 2006, chỉ riêng 4 triệu CP vào Hoàng Anh Gia Lai thôi nếu tính theo giá mới đây HAGL bán cho đối tác chiến lược 150 ngàn/CP thì thương vụ này đã mang lại cho VCB vài trăm tỉ lợi nhuận. Ai tinh ý có thể nhận ra VCB đã cho vào quỹ dự phòng năm 2007 hơn 1000 tỷ, cao gấp 7 lần so với năm 2006. Tại sao VCB lại lập quĩ dự phòng lớn dến như vậy, họ lo sợ khủng hoảng tài chính chăng, hay đây là một cách giấu lợi nhuận hợp pháp? Ít nhất với quy mô quĩ dự phòng lớn như vậy, VCB có thể yên tâm cho vận hành kinh doanh trong vài năm.

5. Nguồn tài chính IPO VCB liệu có đủ không?

Theo thống kê mới nhất cả nước ta hiện có khoảng 300 ngàn tài khoản cá nhân, số lượng quỹ đầu tư trong và ngoài nước lên tới hơn 60. Ngoài số đã giải ngân, hiện có khoảng 4 đến 5 tỷ USD đang chờ để tiến hành các vụ IPO lớn của các đại gia như VCB, BIDV, Mobifone … Số quĩ đầu tư nội tăng cũng rất nhanh, có thể kể ra như quĩ SSIVF 1.700 tỷ, quĩ Bản Việt Capital 1.000 tỷ,... số lượng tài khoản kể cả của nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng, số lượng ngoại tệ đổ vào ngày càng tăng, tất cả đã được đổi sang VND chờ ngày IPO các "đại gia".

Câu hỏi được đặt ra trong tình hình thị trường niêm yết lình xình như hiện nay là liệu vụ IPO VCB này có hút hết lượng tiền của các nhà đầu tư không? Giả sử giá đấu bình quân đạt 130 ngàn/CP, lượng tiền mua CP tương đương gần 13.000 tỷ với 30% trong số này, tương đương khoảng 3.900 tỷ, là room dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Có vẻ nguồn này không đáng lo với số vốn khổng lồ nhà đầu tư nước ngoài đang cần giải ngân, phần còn lại khoảng 9.000 tỷ tương đương 9 phiên bình thường và 6 phiên đỉnh cao trên HoSE. Nếu ta giả định 1/10 số tài khoản là 30.000 người tham gia đấu mỗi người mua 2000 CP giá 130 ngàn/CP, lượng CP đặt mua sẽ là 60 triệu CP tương ứng số tiền 5.200 tỷ. Các quĩ nội như SSI, VFM, HNF, Bản Việt … và rất nhiều quĩ khác đều không muốn đứng ngoài cuộc chơi, hơn 60 công ty chứng khoán đều có khối tự doanh đóng góp một phần không nhỏ.

Thị trường chứng khoán thực ra là thị trường của tâm lý, niềm tin và sự kỳ vọng. Trong bối cảnh thị trường lình xình giao dịch thấp ai cũng thông báo hết tiền nhưng khi thị trường tăng nóng vài phiên liên tiếp thì sẽ có thể xuất hiện những lượng tiền không thể lý giải hàng ngày vẫn vào mỗi lúc một nhiều hơn. Vấn đề ở đây là chủ thể của thị trường là các hoạt động của con người, khi con người ta tâm lý hưng phấn, có niềm tin sự kỳ vọng thì mọi quyết định hay hành động được xử lý nhanh chóng, tâm lý nếu không nhanh thì sẽ mất cơ hội càng khiến thị trường tăng sẽ càng tăng mạnh và sẽ xảy ra ngược lại, khi thị trường xuống sẽ càng xuống mạnh.

Đối tượng nào bị ảnh hưởng nhiều nếu IPO VCB có giá trúng bình quân thấp? Đó là khối ngân hàng cổ phần hay bảo hiểm. Hơn ai hết khối này thông qua các công ty chứng khoán của mình đều tham gia với tư cách nhà đầu tư không muốn ngồi ngoài cuộc và nhà tạo lập thị trường giá CP ngân hàng, VCB mà rẻ thì CP của họ ai sẽ mua đây. Các quĩ nước ngoài ngoài việc lo lắng xử lý với giá CP trên thị trường niêm yết, thì bản thân họ cũng phải tính toán cho bài toán cạnh tranh để sao để mua được VCB, không chỉ với nhau mà với cả các quĩ nội. Mức room 30% dường như quá nhỏ bé so với số lượng quĩ. Nếu nhà đầu tư cá nhân thường than ít tiền thì trên thực tế nhiều tiền như các quĩ không phải là "sướng." Áp lực đè lên vai họ là rất lớn, luôn bị chất vấn về tiến độ giải ngân, hiệu quả sử dụng vốn,....

Vậy nên cuộc đấu IPO VCB lần này theo quan điểm cá nhân tôi đó là cuộc chiến khốc liệt nhất cả về nghĩa đen và bóng trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước tới nay, giá đấu bình quân chắc chắn không dưới 130 ngàn/CP. Áp lực phải mua được CP VCB với giá hời nhất, áp lực phải mua và phải thành công sau bao nhiêu tháng chờ đợi, kinh nghiệm trên thị trường cho thấy những ai cò kè quá thường là người sẽ lỡ mất cơ hội, chiến thắng luôn dành cho người dũng cảm, quyết đoán và có kiến thức.

Không có nhận xét nào: