Thứ Hai, 17 tháng 12, 2007

Kinh doanh dựa trên sự hiểu biết về pháp luật

Nếu như bạn hỏi một ai đó nghĩ gì về luật sư, có lẽ đa số ý kiến sẽ cho rằng luật sư thường là những nhân vật xuất hiện trong các phiên tòa và chỉ đến khi xảy ra những tranh chấp, mọi người mới nghĩ đến việc tìm đến luật sư. Nhưng thực tế thì ngược lại. Luật không chỉ đơn thuần được sử dụng để giải quyết tranh chấp. Mục tiêu cuối cùng của luật là không để tranh chấp có cơ hội phát sinh.

Ngay từ ngày ý tưởng về công ty mới ra đời, cho đến ngày công ty thành lập, bắt đầu quá trình phát triển kinh doanh, rồi tạo ra lợi nhuận, công ty đều phải tuân thủ các quy định pháp luật trong từng hoạt động của mình. Chúng ta dễ dàng thấy được sự hiện diện bao trùm của luật trong đời sống hằng ngày của doanh nghiệp.
Ví dụ:
  • Luật Doanh nghiệp quy định cơ cấu sở hữu và quản lý trong công ty;
  • Luật Thương mại quản lý hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa;
  • Luật Lao động quy định nghĩa vụ đối với người lao động;
  • Luật Thuế quy định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp;
  • Luật Đầu tư quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, các bảo đảm của Nhà nước và các ưu đãi dành cho doanh nghiệp;
  • Luật sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp bảo vệ các tài sản trí tuệ, đối phó với việc vi phạm bản quyền và làm hàng giả;
  • Các luật chuyên ngành quản lý và điều chỉnh từng ngành nghề cụ thể
Nhà Nước tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tự do kinh doanh nhưng trong khuôn khổ pháp luật. Điều đó đảm bảo cho sự vận hành thông suốt và ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên, có bao nhiêu doanh nghiệp tự tin là mình nắm đầy đủ và chính xác ảnh hưởng của các quy định pháp luật trong hoạt động của mình? Sẽ là một sự liều lĩnh khi hoạt động kinh doanh với sự hiểu biết mơ hồ về những gì được phép và không được phép làm, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam, với một hệ thống pháp luật thị trường còn non trẻ và đang phát triển. Khi doanh nghiệp “vô tình” làm trái pháp luật, cái giá phải trả cho sự “vô tình” đó sẽ là thời gian, công sức, tiền của và có thể cả uy tín của doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp phải thu hồi lại các tờ rơi đã phát hành do không tuân thủ đúng quy định pháp luật. Nếu ngay từ đầu, doanh nghiệp đó hiểu rõ những gì luật quy định, doanh nghiệp đã không lãng phí nguồn lực trong việc phát triển và phân phối tờ rơi. Đó là chưa kể việc ảnh hưởng xấu đến hình ảnh doanh nghiệp.

Sự hiểu biết pháp luật ngay từ ban đầu còn giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược đầu tư và tối ưu hóa các nguồn lực. Một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp mới thành lập thường gặp phải là việc kê khai ước toán doanh thu trong năm đầu hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đưa ra một con số rất lạc quan so với thực tế mà không nhận ra rằng doanh nghiệp sẽ bị “tạm truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp” dựa trên con số ước toán do doanh nghiệp đưa ra. Việc tạm nộp “dư” thuế đồng nghĩa với việc sử dụng không hiệu quả nguồn vốn của doanh nghiệp. Trong tất cả các kế hoạch đầu tư, doanh nghiệp đều phải đánh giá về môi trường và các rủi ro pháp lý, bên cạnh hàng loạt các yếu tố kinh doanh khác.

BooksandGavelA.jpg.jpgNgoài ra, sự hiểu biết sâu sắc về môi trường pháp lý là một nền tảng vững chắc trong việc phát triển chiến lược kinh doanh phù hợp, giúp doanh nghiệp khai thác tối đa những cơ hội kinh doanh và quản lý hiệu quả những rủi ro. Nhìn trên khía cạnh vĩ mô, hướng đi và sự phát triển của các ngành nghề trong nước chịu sự ảnh hưởng trực tiếp đối với các chính sách nhà nước. Nhà nước có thể khuyến khích sự phát triển của các ngành nghề khác nhau thông qua các công cụ như ưu đãi thuế, các điều kiện hành nghề, v.v. Trong nhiều trường hợp, môi trường pháp lý là một trong những nhân tố chính tác động lên sự thành công của ngành. Ví dụ, cùng hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, nhưng những doanh nghiệp hoạt động tại Mỹ sẽ thành công hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp tại Trung Quốc, nơi nạn vi phạm bản quyền vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Ngày hôm nay, nền kinh tế Việt Nam đã không còn ở trong giai đoạn “đóng cửa”. Quy mô của các công ty cũng không còn giới hạn trong mối quan hệ gia đình và bạn bè. Khi quan hệ đối tác càng mở rộng, từ thân thuộc đến xa lạ, từ trong nước ra ngoài nước, nền tảng cho sự bền vững trong kinh doanh không còn đơn thuần dựa vào chữ “Tín”. Chữ “Tín” sẽ chỉ có thể được duy trì khi cả hai bên hiểu rõ những quy tắc trong mối quan hệ làm ăn và những hậu quả sẽ xảy ra từ những gì họ cam kết hoặc không cam kết với nhau. Những điều này được thể hiện qua các thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên (hợp đồng, khế ước, v.v). Trong rất nhiều trường hợp, mâu thuẫn phát sinh và dẫn đến rạn nứt trong quan hệ làm ăn chỉ vì hai bên không quy định cụ thể trong hợp đồng phương thức xử lý trong trường hợp như hàng bị lỗi, thanh toán trễ, v.v.

Sự mạo hiểm trong kinh doanh là một điều đáng trân trọng. Nhưng mạo hiểm không có nghĩa là “liều mạng”. Chỉ khi chúng ta hiểu rõ những gì mình đang làm và những tác động của nó, chúng ta mới có thể đưa ra những quyết định sáng suốt. Sự hiểu biết về luật sẽ giúp chúng ta thực hiện được điều đó.

Không có nhận xét nào: